Bạn Có BiếtSức Khỏe

Bà bầu ăn cua đồng có tốt không?

Cua đồng được đánh giá là thực phẩm mang nhiều giá trị dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe bà bầu. Tuy nhiên nếu ăn không đúng cách có thể gây ra nhiều tiềm ẩn nguy hiểm đối với thai nhi.

1. Giá trị dinh dưỡng của cua đồng

Với người dân Việt Nam, cua đồng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ kiếm và quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Cua đồng có quanh năm nhưng mùa dồi dào nhất là hè – thu. Hàng năm chỉ sau mấy cơn mưa đầu hè lại thấy cua bò ra trên mặt ruộng, có nơi nhiều cua chỉ bắt một lúc được mấy giỏ.

Về giá trị dinh dưỡng của cua đồng, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết trong 100gr cua đồng (đã bỏ mai và yếm cua) có các dưỡng chất sau đây:

  • 74,4g nước
  • 12,3g protid
  • 3,3g lipid
  • 2g glucid
  • 89g calo

Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao: trong 100g cua có tới:

  • 5.040mg canxi
  • 430mg photpho
  • 4,7mg sắt
  • Các loại vitamin B1, B2, PP…

Chất lượng protid trong cua cũng thuộc loại tốt, qua phân tích người ta thấy có 8 trên 10 axit amin cần thiết, gồm lysine, methionine, valine, leucine, isoleucine, phenylalanine, threonine và tryptophan (chỉ thiếu arginine và histidine).

Cua đồng giàu đạm, canxi và chế biến được thành nhiều món ăn bổ dưỡng

2. Bà bầu ăn cua đồng có tốt không?

Có nhiều ý kiến cho rằng cua đồng có tính lạnh, không tốt cho sức khỏe bà bầu nhưng thực tế chưa có một khẳng định khoa học nào về vấn đề này. Bà bầu ăn cua đồng có tốt không? Thực tế bà bầu ăn cua đồng là hoàn toàn có thể. Các món ăn từ cua đồng mang đến nguồn đạm và canxi dồi dào cho cơ thể bà bầu.

Lượng canxi dồi dào từ cua đồng giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu canxi trong thai kỳ. Từ đó, các hiện tượng như đau mỏi lưng, nhức mỏi khớp ngón tay, chân, đau xương chậu ở bà bầu cũng sẽ giảm bớt phần nào.

Các món ăn từ cua đồng cung cấp lượng protein dồi dào cho cơ thể bà bầu. Protein không chỉ cần chỉ để nuôi dưỡng cơ thể mẹ bầu, mà còn giúp hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là các tế bào thần kinh. Đặc biệt vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 phụ nữ mang thai cần 1g protein cho mỗi kg trọng lượng của mình. Điều này có nghĩa, nếu bạn 60kg, bạn cần bổ sung 60g protein cho chế độ dinh dưỡng mỗi ngày của mình.

Một trong những loại rau thường được nấu với cua đồng là rau đay, rau mồng tơi hoặc cua đồng thường được nấu thành bánh đa cua hay lẩu cua. Nhìn chung, các món ăn với cua đồng khá đa dạng và dễ ăn, kích thích vị giác và các loại rau nấu với cua đồng đều tốt cho sức khỏe bà bầu. Trong đó, mồng tơi, rau đay hay mướp nấu chung với nhau rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe bà bầu.

Món ăn từ cua đồng mang đến nguồn đạm và canxi dồi dào cho cơ thể bà bầu. 

3. Ăn cua đồng có gây hại cho bà bầu không?

Cua đồng nói riêng và các các loại thực phẩm bổ dưỡng nói chung là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể bà bầu vì lúc này phải cùng lúc nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Tuy nhiên, dinh dưỡng nên cung cấp đúng nhu cầu không nên lạm dụng, và nhu cầu các chất cung cấp thông qua thức ăn thật khó để định lượng. Hầu hết các nguồn thông tin khoa học được kiểm chứng đều cho rằng bà bầu nên thận trọng với các món ăn từ cua đồng.

Tiềm ẩn nguy cơ sảy thai

Theo y học hiện đại thì cua đồng nằm trong danh sách nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng. Một trong các triệu chứng dị ứng thực phẩm đó là co thắt cơ trơn, trong đó có cơ phế quản, cơ thành ruột và cơ thành tử cung. Co cơ phế quản gây khó thở, co cơ tử cung gây sảy thai. Vì thế, những bà mẹ có cơ địa dị ứng hoặc mắc các bệnh dị ứng như viêm dạ dị ứng, viêm mũi dị ứng, lấy chồng và mang thai thì tốt nhất nên tránh.

Đông y cũng có nhiều khuyến cáo rằng bà bầu không nên ăn nhiều cua đồng, nhất là trong 3 tháng đầu. Lương y Nguyễn Văn Quảng của Hội Đông y Việt Nam thì cho hay phụ nữ có thai hạn chế ăn cua bởi quan điểm cua có vị mặn, tính hàn, hơi độc, hoạt huyết nên với phụ nữ yếu ăn cua dễ bị sảy thai.

Rối loạn tiêu hóa

Bà bầu cũng cần thận trọng khi lựa chọn và chế biến cua đồng. Cua đồng có tính lạnh, không nên ăn hàng ngày, đặc biệt là ăn cua chết bởi chất đạm trong cua sinh ra độc tố histamin gây ngộ độc, nguy hiểm. Đặc biệt cua đồng còn dễ nhiễm các loại ấu trùng giun sán, đặc biệt là sán lá phổi nếu nấu không chín sẽ gây ảnh hưởng tới người ăn.

Bà bầu cần thận trọng khi lựa chọn và chế biến cua đồng.

4. Các món ngon bổ dưỡng từ cua đồng cho bà bầu

Canh cua rau đay mồng tơi

Nguyên liệu:

  • Cua đồng: 300 – 500gr
  • Rau đay, mồng tơi: 1 bó
  • Hành khô và các gia vị cần thiết

Cách làm:

  • Cua đồng rửa sạch giã nhỏ hoặc xay nhuyễn lọc qua ray hoặc vải lấy phần nước để nấu (nếu có thời gian nên nhặt phần gạch cua để riêng)
  • Rau mồng tơi rửa sạch, thái thái nhỏ
  • Hành phi thơm
  • Cho phần nước nấu đã lọc ở trên vào nồi cùng các gia vị đun trong lúc đun khuấy đều tay khi vừa nước sôi chúng ta vớt lấy phần thịt cua nổi lên.
  • Tiếp theo chúng ta cho phần gạch cua, rau mồng tơi vào đun lại cho chín, đổ phần thịt cua vớt được lên trên và tắt bếp.
  • Múc ra bát và thưởng thức.

Cua rang muối ớt

Nguyên liệu

  • Cua đồng
  • Sả, ớt
  • Tỏi băm
  • Hành lá, rau răm
  • Muối hạt, tiêu, đường
  • Dầu ăn

Cách làm:

  • Chọn mua loại cua còn sống, không bị gãy chân, nhỏ con sẽ mềm và ngon hơn. Rửa sạch cua, bóc yếm, tách mai, để ráo nước. Sả, ớt thái chỉ, hành răm thái nhỏ bỏ ra đĩa riêng. Tỏi băm nhỏ, muối hạt giã nhỏ.
  • Cho chảo lên bếp làm nóng với dầu ăn (dầu phải ngập cua), khi dầu sôi  cho cua vào chiên chín vàng. Để món cua đảm bảo ngon nhất bạn nên điều chỉnh lửa bếp vừa phải không quá to cua sẽ bị cháy, lửa nhỏ cua sẽ bị sống không đạt yêu cầu. Nên để lửa vừa để cua chín đều.
  • Khi cua bắt đầu chuyển sang màu vàng bạn vớt ra đĩa lót giấy thấm dầu để cua ráo dầu. Trộn muối với ớt và đường  theo tỷ lệ 2 muối 1 đường.
  • Cho tỏi vào phi thơm, sau đó cho cua vào xào cùng tỏi, thêm muối ớt đã trộn vào đảo đều cho cua bám đều muối, sau đó cho thêm sả, ớt thái chỉ vào đảo cùng.
  • Cua bám đều muối, cho ra đĩa, rắc hành răm lên trên, ăn nóng. Món này ăn với tương ớt hoặc muối tiêu chanh ớt cũng rất ngon.

Canh cua đồng khoai sọ rau muống

Nguyên liệu:

  • Cua đồng
  • Khoai sọ
  • Rau muống
  • Hành khô, gia vị

Cách làm:

  • Cua đồng rửa sạch giã nhỏ hoặc xay nhuyễn lọc qua ray hoặc vải lấy phần nước để nấu (nếu có thời gian nên nhặt phần gạch cua để riêng)
  • Rau muống nhặt và rửa sạch
  • Khoai sọ gọt vỏ, ngâm muối hoặc nước gạo cho bớt nhựa rồi cắt miếng vừa ăn
  • Hành phi thơm
  • Cho phần nước nấu đã lọc ở trên vào nồi cùng các gia vị đun trong lúc đun khuấy đều tay khi vừa nước sôi chúng ta vớt lấy phần thịt cua nổi lên.
  • Tiếp theo chúng ta cho phần gạch cua, rau muống, khoai sọ vào đun lại cho chín, đổ phần thịt cua vớt được lên trên và tắt bếp.
  • Múc ra bát và thưởng thức.

5. Lưu ý chọn lựa và chế biến cua đồng đảm bảo sức khỏe cho bà bầu

  • Không nấu canh từ cua chết vì cua chết có thể khiến người ăn đau bụng, nôn mửa, thậm chí ngộ độc.
  • Không ăn cua sống vì có nguy cơ mắc bệnh “trùng phổi”.
  • Không ăn đi ăn lại canh cua nấu trong ngày vì canh cua không chỉ mất dinh dưỡng mà còn bị ôi thiu, ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Không uống trà, ăn quả hồng gần thời điểm ăn canh cua vì có thể gây ra các triệu chứng lợm giọng, nôn ói, đau bụng.
  • Người bị gout hay mới ốm dậy không nên ăn canh cua đồng. Vì cơ thể lúc này yếu, không cần dung nạp quá nhiều đạm.

Qua bài viết này hy vọng rằng các mẹ bầu sẽ biết ăn cua đồng sao cho đúng cách, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chúc các mẹ bầu thai kỳ khỏe mạnh!

0/5 (0 Reviews)
Back to top button