Sức Khỏe

Người bác sĩ nhân lên những khát vọng

Vượt mọi gian khổ

Nhắc đến xã Ea Trang một thời người ta liên tưởng ngay đến cái nghèo, lạc hậu. Bác sĩ bám trụ với các buôn không chỉ đi khám bệnh mà còn như một tuyên truyền viên đặc biệt kết nối các làng, các dân tộc, tôn giáo lại với nhau để cùng xây dựng đời sống mới.

  • Nữ bác sĩ của núi rừng Bác Ái

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2001, Y Nghin mang tất cả nhiệt huyết của mình về xã Ea Trang với khát khao sẽ làm nên cuộc “cách mạng” trong nhận thức của người dân.

Gắn bó với việc vượt đèo, lội suối đi “bắt bệnh” cho các buôn vùng sâu Ea Trang suốt hơn 20 năm qua, bác sĩ đa khoa Y Nghin – Trưởng Trạm y tế xã Ea Trang nghiệm ra rằng: “Chỉ có lòng kiên trì bám trụ thì mới có thể gắn bó và xoay chuyển nhận thức của bà con nơi đây được. Nói về khó khăn của vài chục năm trước trên vùng đất này thì kể mãi không hết. Khi đó, người dân còn rất hạn chế, chưa chủ động đến các cơ sở y tế. Thầy thuốc, bác sĩ phải đến từng nhà, có hôm đi từ sáng sớm đến tối mịt. Đường đất đi như đánh vật, nhất là những tháng mùa mưa. Người dân ở đây còn phải dùng cáng bằng tay để chuyển bệnh nhân”.

Người bác sĩ nhân lên những khát vọng - Ảnh 2.

Bác sĩ Y Nghin khám bệnh cho người dân vùng sâu.

Nhớ như in những đêm vượt đèo hiểm trở, vị bác sĩ chia sẻ thêm: “Năm 2001 vẫn còn phải dùng đèn dầu, cơ sở vật chất còn tạm bợ lắm. Có những ca xử lý vết thương cho người dân ngay tại buôn rất vất vả. Sau mỗi ngày làm việc là người mệt lả đi. Có nhiều hôm phải nghỉ ở nhà dân nên dần dần gần gũi như người nhà. Những lúc như thế chúng tôi còn tranh thủ tuyên truyền bà con không nên sống co cụm trong buôn, trong xã mà phải đi ra ngoài học hỏi các cách làm ăn kinh tế mới, đồng thời thay đổi tư duy, phải nhận thức rõ được rằng chỉ y học mới giúp nâng cao sức khỏe, chữa khỏi nhiều bệnh cho bản thân và cộng đồng…”.

Những tiếng kêu thảng thốt của các sản phụ khi trở dạ; những ánh mắt đờ đẫn của cánh trai tráng khi vết thương bị nhiễm trùng; những bà mẹ “nhí” nheo nhóc cùng con thơ… như có sức hút mạnh mẽ kéo đôi chân mình ở lại.
Bác sĩ Y Nghin

Khó khăn càng bủa vây quyết tâm của bác sĩ Y Nghin lại càng cao hơn. Ông tâm tình: “Cũng có lúc đã nảy ra ý định muốn chuyển đi nơi khác nhưng đi không nổi. Mình sinh ra ở đây, là dân tộc Ê Đê trên vùng đất này nên sự gắn bó bám chặt với các buôn làng từ lúc nào không hay. Hơn thế nữa, những tiếng kêu thảng thốt của các sản phụ khi trở dạ; những ánh mắt đờ đẫn của cánh trai tráng khi vết thương bị nhiễm trùng; những bà mẹ “nhí” nheo nhóc cùng con thơ… như có sức hút mạnh mẽ kéo đôi chân mình ở lại.

Thế rồi ngày nối ngày, có nhiều cung đường phải cuốc bộ đến gõ cửa từng nhà để phát thuốc, xử lý vết thương… đã trở nên quen thuộc. Hồi đó, đường xa cách trở, thuốc men thiếu trong khi bà con của mình nhiễm trùng sốt đùng đùng, có người trôi vào miên man nên cần có bác sĩ bám trụ”.

Người bác sĩ nhân lên những khát vọng - Ảnh 4.

Bác sĩ Y Nghin lập hồ sơ quản lý khám bệnh cho người dân các dân tộc thiểu số.

Mỗi chuyến về buôn, bác sĩ Y Nghin đều lồng ghép nhiều hình ảnh sinh động về việc ăn ở vệ sinh vì chính việc không thực hiện tốt điều này đã nảy sinh nhiều căn bệnh như: Tiêu chảy, hô hấp… Có tháng hiếm hoi lắm Y Nghin mới trọn vẹn ở nhà được vài đêm.

Thấy sự miệt mài của Y Nghin cũng như nhiều bệnh thông thường được anh chứng minh chữa khỏi bằng thuốc nên người dân đã dần tin vào y học. Y Nghin trở thành một điển hình về lòng nhân ái, sự nhẫn nại trong lòng người dân ở vùng heo hút này.

Sau mấy năm xoay chuyển dần nhận thức của cộng đồng các dân tộc ở Ea Trang, bác sĩ Y Nghin được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm y tế xã (năm 2004) và gắn bó cho đến nay.

Thấu hiểu để sẻ chia

Ông Y Thanh và nhiều người dân trong các buôn ở Ea Trang đi từ ngỡ ngàng đến khâm phục bác sĩ Y Nghin. Ông Y Thanh bộc bạch: “Chẳng ruột thịt gì mà cái bụng Y Nghin rất tốt. Khám bệnh xong còn khuyên nhủ đủ chuyện trong cuộc sống. Chuyện gì thấy cũng hay, cũng có lý. Có nhiều gia đình đông con quá, nhà nghèo chán nản chẳng muốn làm gì chỉ uống rượu. Đến lúc nghe lời bác sĩ Nghin giữ vững khát vọng thoát cái đói bằng chăn nuôi, bằng cần mẫn làm lụng, không để ruộng rẫy bỏ hoang… thế là khát vọng thành hiện thực”.

Người bác sĩ nhân lên những khát vọng - Ảnh 5.

Hết bệnh nhân, bác sĩ Y Nghin lại tranh thủ nghiên cứu nâng cao kỹ thuật cho Trạm y tế.

Bác sĩ Nghin còn cùng các nhân viên y tế vận động buôn làng tham gia bảo hiểm y tế và khám bệnh định kỳ. Vậy nên giờ đây khi ốm đau các buôn đã tự động tìm đến trạm y tế. Trẻ nhỏ cũng không xa lạ với tiêm vaccine phòng các loại dịch bệnh nữa. Phụ nữ mang thai đến ngày sinh không tự sinh đẻ trong rẫy hay nhà mình.

Dù đời sống đã có nhiều đổi thay nhưng từ kinh nghiệm bám trụ buôn sâu của mình, bác sĩ Y Nghin cho biết: “Khá hơn là so với xưa kia thôi chứ cũng còn nhiều gian nan lắm. Xã Ea Trang dân số hiện có hơn 6.000 người nhưng có đến 15 dân tộc cùng chung sống, trong đó chủ yếu là Ê Đê, H’Mông. Sau đó là Tày, Nùng, Thái, Kinh…

“Bí quyết” vận động bà con là phải thấu hiểu. Hiểu về phong tục, về thói quen của họ để có cách nói, cách làm sao cho họ khát khao xây dựng đời sống mới và đoàn kết chặt chẽ hơn với các dân tộc anh em. Cụ thể như, người H’Mông vẫn còn thói quen lập gia đình rất sớm (tảo hôn) sau đó thì đua nhau sinh đẻ nhiều.

Theo bác sĩ Nghin, việc xoay chuyển ý nghĩ của người H’Mông về nạn tảo hôn phải dùng nhiều đến “cái tình”. “Có nhiều em đang tuổi học sinh đã lấy vợ, lấy chồng rồi đẻ con. Khi được thầy thuốc hỏi thì họ vô tư trả lời rằng, lấy không để lâu ế. Thói quen xưa nay vậy rồi. Lúc đó mình mà cứ cứng nhắc đưa Luật Hôn nhân và Gia đình ra nói thì tác dụng không được nhiều mà phải nhẹ nhàng phân tích kỹ về những mặt không thuận lợi khi tảo hôn, những ảnh hưởng cho thế hệ tương lai… Cứ phải thấm dần cho họ từng chút một như vậy mới được. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và chịu khó của nhân viên y tế” – Bác sĩ Y Nghin chia sẻ.

Người bác sĩ nhân lên những khát vọng - Ảnh 6.

Người dân vùng sâu đến Trạm Y tế Ea Trang nghe tuyên truyền về dân số, không tảo hôn.

Tại nhiều buôn, dù bác sĩ Nghin đã hẹn lịch đến khám bệnh, tư vấn buổi sáng rồi nhưng họ lại quên, thế là bác sĩ lại phải cuốc bộ đến tận vào hôm khác. Nếu nản lòng hay tự ái thì không thể kéo bệnh nhân lại gần hơn với thầy thuốc được. Đặc biệt, ở xã Ea Trang còn có một số bệnh nhân bị bệnh phong nên nhiệm vụ của nhân viên y tế trong việc xóa bỏ tâm lý kỳ thị cũng là việc làm quan trọng.

Chia vui về một số thành quả đã đạt được, bác sĩ Y Nghin tâm tình: “Với nhân viên y tế chốn non sâu này phải thương bệnh nhân bằng tình thương vô bờ bến, coi họ như người nhà mình vậy. Thấy được cái hay, cái tốt của dân tộc này để nói cho dân tộc khác học tập lẫn nhau, còn cái xấu thì chung tay xóa bỏ. Giống như trước đây một số người nghĩ bệnh cùi (phong) nguy hiểm nhưng nay đã chữa được rồi, không còn lây nữa. Ở xã này còn mấy bệnh nhân thôi, các thế hệ con cháu của họ khỏe mạnh bình thường.

Với các bệnh nhân phong, bản thân tôi không ngại ngần gì hết mà còn thường xuyên đến thăm họ vài lần mỗi tháng để nắm tình hình, động viên, khích lệ họ kịp thời nên bà con cũng rất an tâm, sống hòa đồng với các dân tộc, tôn giáo khác. Một số người khi được thầy thuốc động viên thì đã nhen nhóm lên khát vọng vượt nỗi đau bệnh tật. Còn riêng bệnh sốt rét thì thời gian gần đây gần như đã được xóa bỏ. Việc tiêm chủng vaccine COVID-19 thì tỷ lệ ngày càng được nâng cao”…

Lòng nhân ái được viết trong những ngày hy sinh thầm lặngLòng nhân ái được viết trong những ngày hy sinh thầm lặng

SKĐS – Hơn 1 tháng “bám trụ” ngay tại trạm y tế và những chuyến ra – vào khu vực phong tỏa như con thoi, những người bệnh được hỗ trợ kịp thời chính là điểm tựa để nữ nhân viên y tế Trạm y tế phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM tiếp tục vững lòng, “bám” chốt.

Mời độc giảm xem thêm video:

Những ai không nên ăn đồ cay?

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button